Covid-19

CÁCH LY KÉP

CÁCH LY KÉP

Trời tối mịt, tiếng líp xe đạp tách tách rõ dần. Xe đạp chỉ có thể dắt bộ vì nặc nè hàng đống thứ trên đó. Nặng thì không, nhưng cồng kềnh và xô xệch, những thứ người đời vẫn gọi chung là chai bao.

Chị đã ở dãy nhà trọ này từ nhiều năm. Quê mãi ở tỉnh bên. Gia đình chị không thuộc loại cận nghèo, cũng không phải nghèo, mà là dưới nghèo. Sự khắc nghiệt của đất đai, thổ nhưỡng cộng với nạn phá rừng, phá sông ở quê chị khiến các gia đình ở đây cứ xa dần cái nghèo, tiến về phía cái đói. Không thể có một công việc ổn định, dù là làm nông, đủ thu nhập cho gia đình, chỉ bỏ lại hai đứa con nhỏ và người chồng ốm yếu do những năm tháng lăn lộn trên vùng đất xác xơ để mưu sinh cho cả gia đình để lên thành phố. Con người chị vốn lam lũ, không nghề nghiệp và hiểu biết hạn hẹp nên cái gọi là nghề duy nhất chị có thể làm ở cái thành phố sầm uất này là nhặt chai bao.

Rời dãy nhà trọ từ sáng sớm, chị đi dọc theo các con phố, con hẻm, ngóc ngách để kịp thu gom, lượm lặt những thứ khả dĩ có thể bán được từ những thùng rác, túi rác, những thứ hầm bà làng trước nhà dân, cơ quan, công ty, nhà hàng… Chị phải đua với thời gian để đến trước khi xe rác của thành phố thu gom chở đi mất. Và chị chạy đua luôn cả với những người cùng làm nghề như chị.

Môi trường làm việc bụi bặm, bẩn thỉu và hôi thối nên trước khi rời nhà chị luôn đeo khẩu trang kín mặt, khăn mũ trùm kín đầu. Công việc khiến chị khép kín, luôn giữ một khoảng cách rất xa với mọi người. Chị không muốn mọi người nhìn thấy mặt chị. Mà đằng nào thì cũng chả thể thấy được vì cái khẩu trang bự choảng và cái khăn trùm kín đầu. Chị cũng không muốn mọi người ngửi thấy mùi khó chịu từ những thứ chị nhặt nhạnh được và từ chính cơ thể chị. Chị cố giữ một khoảng cách xa nhất có thể với những người xung quanh. Suốt ngày chị gằm mặt xuống đường cả với nghĩa bóng và nghĩa đen. Có lẽ lúc duy nhất chị ngửa mặt lên trời là tối về tắm gội. Chị phải ngửa mặt thật cao để cho bụi bẩn trôi khỏi khuôn mặt xạm đen và cũng là cách để chị khỏi phải nhìn thấy cơ thể tàn tạ so với tuổi của mình.

Làm lụng vất vả, nắng mưa là vậy nhưng tiền kiếm được chả là bao. Một phần tiền kiếm được chị sử dụng vừa đủ cho sự sinh tồn của bản thân ở cái nơi mà chị nghe loáng thoáng là thành phố đáng sống. Phần còn lại gửi hết về quê cho chồng con. Thi thoảng, trên tuyến đường hàng ngày mưu sinh, có những tốt bụng cho chị những thứ chai bao “cao cấp”, những thứ bán được khá tiền hơn. Có người còn cho thêm dăm ba chục nghìn. Chị cảm ơn và biết ơn họ. Chị ước ao có một ngày mình đủ vốn liếng để có thể chuyển sang làm một công việc khác đỡ vất vả, đỡ độc hại hơn.

Thế rồi dịch bệnh bùng phát lần thứ nhất. Thành phố cách ly lần thứ nhất. Chính quyền hướng dẫn mọi người đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 1–2 mét. Chị thầm nghĩ những việc này mình đã làm từ bao năm nay. Hầu hết thời gian trong ngày cái khẩu trang luôn bám lấy mặt chị. Còn khoảng cách với mọi người chị giữ còn xa hơn vậy.

Hai tuần ở nhà là hai tuần thu nhập bằng không. Nhưng chị vẫn phải ăn, phải uống và phải trả tiền nhà, dù chủ nhà trọ đã giảm cho một nửa. Cuối tháng tư nhà nước nói khống chế được dịch bệnh, dỡ bỏ cách ly. Mừng! Nhưng trở lại với công việc hàng ngày, điều chị thấy ngay là rác ít hơn. Chai bao bán được giảm hẳn so với trước. Ngày qua ngày lượng chai bao thu lượm được càng giảm dần. Chị nhận ra rằng khó khăn đang tăng lên không chỉ với riêng chị, mà với rất nhiều người. Chị chỉ có thể khắc phục bằng cách đi nhiều hơn, đi xa hơn trước, với hy vọng khó khăn sẽ sớm qua đi, hoặc chí ít thì cũng không tệ hơn nữa.

Hy vọng là thế, nhưng rồi đùng một cái, dịch bệnh bùng phát lần nữa. Lần này còn tệ hơn và dài hơn lần trước. Cả tháng này chị lại phải ở nhà lần nữa. Và tệ nhất, là không biết sẽ còn phải ở nhà bao lâu nữa. Chị muốn về quê, nhưng thành phố thì không cho chị đi, mà ở quê thì không cho chị về. Muốn về thì phải vào khu cách ly tập trung 14 ngày. Chị lẩm nhẩm suy nghĩ, nếu đang ở khu cách ly mà thành phố bỏ cách ly thì mất cơ hội làm ăn. Mà biết đâu sau cách ly lại không được quay lại thành phố thì có mà chết đói. Mọi thứ quá rối bời và mù mịt với chị. Mơ ước đổi nghề giờ đã bay biến để nhường cho ước mơ hết cách ly và thành phố lại nhiều rác như xưa để có thể kiếm được nhiều chai bao hơn.

Giờ đây, hàng ngày ngồi chóc ngóc trong dãy nhà trọ mà ruột gan như lửa đốt. Trước thỉnh thoảng chị ao ước có một ngày nghỉ ngơi và không phải nghĩ ngợi đến cơm áo gạo tiền. Giờ ước ao của chị được một nửa. Nó cho cơ thể chị nghỉ ngơi để dồn hết tâm trí vào nỗi lo hoảng loạn về cơm áo gạo tiền. Tiếng TV từ nhà bên văng vẳng về gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đồng mà đầu óc chị không thể hình dung ra được đó là bao nhiêu. Chị định liên hệ đăng ký xin trợ cấp, nhưng người ta bảo chị phải về địa phương quê chị mà đăng ký. Hơn nữa nghe đâu những người như chị không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp. Chị cũng nghe loáng thoáng trên TV về thực hiện mục tiêu kép của chính phủ. Nhờ mấy đứa trẻ giải thích chị mới lờ mờ, sơ bộ hiểu được thế nào là mục tiêu kép, nhưng rồi chị bỗng giật mình khi liên tưởng đến bản thân. Hàng ngày, khi còn được đi làm chị đã tự cách ly mình với mọi người rồi, giờ thêm cách ly xã hội nữa thì không phải chị đang bị cách ly kép là gì.

Tác giả: Air. 08/2020
————————————-

Câu chuyện có thật từ gia đình một người anh. Họ thường giúp chị đỡ chị, nhưng gần đây không biết chị đã đi đâu, mất liên lạc. 

Giờ chị ấy có thể là bất cứ ai,chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên đường...

Chúng ta người một tay nhé, để đồng bào không ai bị bỏ quên trong những ngày tháng khó khăn này...

Thịnh Huỳnh, Đất Nền Hoà Xuân.
Đà Nẵng 26/8/2020

Trụ sở công ty BĐS Đất Nền Hoà Xuân

XEM BẢN ĐỒ

0901 266 199