Covid-19

(Có thể bạn chưa biết) Hệ miễn dịch vs COVID-19. Cách hiệu quả nhất để vượt qua đại dịch

Vào tháng 12 năm 2019 chính phủ Trung Quốc cảnh báo toàn thế giới có một dạng virus đang lan truyền trong cộng đồng, được xác định là chủng Virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng và được gọi tên là Covid-19.

Chuyện gì thực sự xảy ra khi Covid-19 lây nhiễm vào cơ thể? 

Đường lây nhiễm chính thông qua giọt bắn từ việc ho, tiếp xúc người nhiễm bệnh hoặc chạm vào các bề mặt có dịch cơ thể của người nhiễm. Hiện tại vẫn chưa xác định rõ chúng có thể sống trên các bề mặt này bao lâu.

Sau đó chạm vào mặt, như dụi mắt hay mũi. Từ đây, virus bắt đầu chuyến hành trình trong cơ thể chúng ta và điểm đến là ruột, lá lách và phổi, những nơi chúng có thể gây ảnh hưởng đáng kể nhất.

Bề mặt phổi được cấu thành bởi hàng tỉ các tế bào biểu mô. Khi xâm nhập, Corona liên kết với thụ thể trên màng của tế bào nạn nhân để bơm vật liệu di truyền của chúng vào. Tế bào chẳng hề hay biết chuyện gì, thực thi những chỉ dẫn mới, sao chép và tái tạo. Nó sẽ ngày càng chứa thêm nhiều bản sao của con virus gốc cho đến khi đạt đến cực điểm và nhận mệnh lệnh cuối cùng tự hủy. Tế bào tan biến và giải phóng hàng loạt virus Corona mới, chuẩn bị để tấn công nhiều tế bào nữa.

Số lượng các tế bào bị nhiễm tăng theo cấp số nhân. Sau khoảng 10 ngày, hàng triệu tế bào đã bị nhiễm, và hàng tỉ virus tràn lan trong phổi. Đến lúc này, virus vẫn chưa gây nhiều tổn thương lắm, nhưng chúng đã vô tình giải phóng một con quái vật thực sự mang tên hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch với mục đích bảo vệ bạn, nhưng thực tế nó cũng có thể gây nguy hiểm đến cơ thể và cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Các tế bào miễn dịch bắt đầu đi vào phổi và chống lại virus. Các tế bào tương tác chủ yếu qua những protein thông tin siêu bé gọi là Cytokine để triển khai các hoạt động miễn dịch. Corona gây nhiễu và làm các tế bào bị nhiễm báo động không ngừng, buộc hệ miễn dịch phải huy động một lượng lớn tế bào miễn dịch không cần thiết và kích hoạt chế độ tiêu diệt hàng loạt, thà giết lầm còn hơn bỏ sót.

Điều này dẫn đến 2 hệ lụy:

  • Càng nhiều tế bào miễn dịch tham gia cuộc chiến càng gây nên nhiều tổn thương và càng nhiều tế bào phổi khỏe mạnh bị chúng tiêu diệt.

  • Hệ miễn dịch quá tải dẫn đến những vi khuẩn thông thường dễ dàng xâm nhập cơ thể.

Vì sao các tế bào phổi lại tổn thương khi hệ miễn dịch được kích hoạt?

2 loại tế bào miễn dịch gây nhiều tổn thương nhất:

  • Bạch cầu trung tính rất giỏi trong việc tiêu diệt hàng loạt. Khi có số lượng quá đông, bạch cầu trung tính bắt đầu tiết ra enzyme, tiêu diệt cả bạn và thù.

  • Tế bào T thông thường sẽ gửi thông tin cho các tế bào bị nhiễm để chúng tự hủy, nhưng khi rơi vào tình trạng báo động, các tế bào này gửi luôn thông tin tự hủy cho các tế bào khỏe mạnh.

Ở hầu hết trường hợp thì hệ thống miễn dịch sẽ dần lấy lại kiểm soát. Nó giết các tế bào bị nhiễm, ngăn ko cho virus lây sang tế bào mới và dọn sạch bãi chiến trường. Quá trình hồi phục bắt đầu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng thậm chí nguy kịch.

Hệ lụy khi hệ miễn dịch quá tải

Với nhiều ca nặng, hàng triệu các tế bào biểu mô chết, lớp màng bảo vệ sụp đổ, đồng nghĩa các khí phế nang nơi việc hô hấp diễn ra có thể bị tấn công bởi các vi khuẩn thông thường. Phổi bị viêm nhiễm, hô hấp trở nên khó khăn hơn thậm chí suy hô hấp và bệnh nhân cần đến máy thở để sống sót.

Hệ miễn dịch đã hoạt động hết công suất trong thời gian dài, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải đối mặt với cuộc xâm lăng tiếp theo dẫn đến quá tải. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng và xâm nhập vào máu, lan ra khắp cơ thể, khả năng tử vong tăng cao.

Đại dịch sẽ kết thúc như thế nào?

Virus Corona thường bị đem ra so sánh với cúm mùa nhưng thực chất nó nguy hiểm và dễ lây nhiễm hơn rất nhiều. Tỉ lệ tử vong chưa thể xác định khi mà đại dịch vẫn đang bùng phát. Có hai tương lai là đại dịch nhanh và chậm, tương lai nào sẽ diễn ra phụ thuộc vào cách chúng ta phản ứng ở những ngày đầu bùng phát:

Đại dịch nhanh: Bắt đầu bằng sự bùng phát nhanh vì không có những phương án để ngăn chặn việc lây nhiễm. Trong đại dịch nhanh rất nhiều người bị bệnh cùng một lúc, nếu số lượng quá lớn hệ thống y tế sẽ quá tải.

Nguồn lực nhân viên y tế và các thiết bị y tế như máy thở sẽ không đủ đáp ứng. Nhiều người sẽ chết mà không được điều trị. Và khi nhân viên y tế kiệt quệ thì hệ thống y tế sụp đổ. Nếu chuyện này trở thành sự thật, chúng ta buộc phải quyết định ai được sống, ai sẽ bị bỏ mặc. Số lượng người chết tăng lên đáng kể ở trong kịch bản này.

Đại dịch chậm: Để tránh viễn cảnh này, TẤT CẢ CHÚNG TA phải biến đại dịch này trở thành đại dịch chậm bằng mọi giá để những người bị bệnh đều có thể được điều trị và sẽ không có điểm quá tải. Vì chưa có vắc-xin cho Corona, thế nên hãy làm mọi cách để kéo dài thời gian giúp cho hệ thống y tế đừng quá tải và cho những nhà nghiên cứu thuốc thêm thời gian quý giá.

Những gì cần làm để đại dịch chậm lại

Có 2 việc mà mọi người cần thực hiện là tránh bị nhiễm và tránh lây nhiễm cho người khác. Mặc dù nghe có vẻ khá đơn giản nhưng rất khó để nghiêm chỉnh thực hiện.

Điều tốt nhất bạn có thể làm đó là rửa tay thường xuyên. Xà phòng thực chất là một công cụ rất hiệu quả để diệt khuẩn bằng cách phá hủy lớp màng tế bào của chúng. Và khi rửa tay, virus bị cuốn trôi đi hết.

Tiếp theo là việc cách ly cộng đồng, vốn không phải là một trải nghiệm tốt nhưng đây là việc tốt. Hãy giảm cái tôi của bạn lại, đó là một cái giá rất nhỏ để cứu sống nhiều người. Hãy ở nhà hạn chế khả năng lây nhiễm. Hãy tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành khi được đưa vào diện cách ly. Điều này sẽ bảo vệ những con người đang ngày đêm cật lực ngoài kia từ bác sĩ, cảnh sát, các tình nguyện viên,... không bị nhiễm bệnh và giúp họ có một chút thời gian để thở.

Câu trả lời cho câu hỏi đại dịch sẽ kết thúc như nào, phụ thuộc vào cách nó bắt đầu. Nếu nó bắt đầu nhanh với một cái sườn dốc thì nó dễ kết thúc rất tệ hại. Nếu nó bắt đầu chậm với một cái sườn thoải thì nó sẽ kết thúc nhẹ nhàng. Từ giờ phút này trở đi, kết cục như thế nào tùy thuộc vào bạn.

Nguồn: Kurzgesagt – In a Nutshell

Trụ sở công ty BĐS Đất Nền Hoà Xuân

XEM BẢN ĐỒ

0901 266 199